Khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp của trường đại học và trường chuyên môn


Hầu hết mọi người đều có thể có hai ấn tượng về nước Nhật : một quốc gia phát triển và một quốc gia có dân số già. Vì tình trạng lão hóa dân số và thiếu hụt lao động mà Nhật Bản đã mở rộng các chính sách thu hút các nguồn nhân lực từ nước ngoài, và tất nhiên, với hình ảnh là một quốc gia phát triển có mức thu nhập bình quân đầu người cao, Nhật bản có được lợi thế trong việc thu hút những nguồn nhân lực tốt, với nguồn du học sinh tiếp tục ở lại làm việc với tỉ lệ vào khoảng 17% tổng số du học sinh mới xin visa hằng năm.

Theo thống kê hàng năm ( bảng 1 ), mức lương khởi điểm dưới 20 man dành cho du học sinh mới tốt nghiệp dao động trong khoảng 30%, mức lương khởi điểm từ khoảng 20 đến 25 man chiếm số lượng cao nhất dao động trong khoảng 40%, và cuối cùng là mức lương khởi điểm từ 25 đến 30 man dao động trong khoảng 10%. Không có biến động nhiều trong các mức lương này trong 6 năm liên tiếp chứng tỏ sự bình ổn trong thị trường lao động Nhật Bản, dù cho số lượng du học sinh xin việc tăng lên rất nhanh qua các năm, từ con số 7000 năm 2010 đến 19000 năm 2016 ( tăng gấp 3 lần ) ( bảng 2 ).



 Tiếp theo, hãy nhìn sang lựa chọn của các doanh nghiệp Nhật Bản khi tuyển dụng, cũng như định hướng của cục nhập quốc khi xét visa. Dù số lượng du học sinh tăng lên như thế nào, số học sinh tốt nghiệp trường chuyên môn đạt visa luôn thấp hơn 20%, ngược lại, tổng số học sinh tốt nghiệp đại học hay cao học 70%. ( bảng 3 ) Ngoài ra, có khoảng 10% số visa không được chấp nhận, và những năm gần đây có giảm tỉ lệ đạt visa ( bảng 4 ).




 Dựa trên các con số này, có thể nói xã hội Nhật nói chung rất xem trong bằng cấp, không phải riêng chính phủ Nhật, nhưng ngay từ chính các doanh nghiệp đã có sự lọc tuyển các thành phần họ xem là “nhân tài”.

Trong bối cảnh số du học xin visa tăng gấp đôi trong khoảng 2010-2016, số du học sinh VN tăng gấp 17 lần, và chiếm vị trí thứ 2 chỉ sau Trung quốc về số lượng du học sinh trong thời điểm hiện tại(1). Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh VN chuyển sang visa lao động sau khi kết thúc visa du học chỉ vào khoảng 10% hay có năm chỉ có 5%. Có thể nói gì về con số này ?

Có thể con số 17% tỉ lệ chung và tỉ lệ của VN qua các năm là một con số hơi khập khiễng vì số này phải tính dựa trên số du học sinh này đến Nhật từ cách đây 4 hoặc 6 năm trước, nhưng dù sao đó cũng là một con số có thể dùng để so sánh.

Về những lý do khả dĩ, ngoài lý do du học sinh có lựa chọn tiếp tục làm việc tại Nhật một thời gian hay không, có thể thấy rõ một lý do khác là có đến quá nửa số học sinh VN chỉ chọn học trường chuyên môn sau khi tốt nghiệp trường tiếng Nhật, và do đó, khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động tại Nhật là rất thấp.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa trường chuyên môn và trường đại học là đầu vào của trường chuyên môn dễ hơn và thời gian học ngắn hơn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là con đường tương lai sẽ hẹp hơn. Tất cả đều có cái giá của nó.

Đã chọn đi du học thì hãy đi vì mục tiêu học thật, và cố gắng học thật, đừng nghĩ rằng có lựa chọn dễ dàng là trường chuyên môn, nếu không tất cả sẽ chỉ là một vòng xoay đi làm baito trả học phí, sinh hoạt phí. Đi du học là tìm kiếm cơ hội cho bản thân, mà quan trọng nhất là cơ hội học hỏi. Hãy đặt một mục tiêu cao hơn khi có thể. Hãy tạo cho bản thân quyền được lựa chọn : lựa chọn làm việc ở đâu, lựa chọ làm việc ở công ty nào... 



=====

Nguồn số liệu : Tất cả các số liệu thống kê đều được trích từ Bộ tư pháp Nhật Bản